Chuyển giao công nghệ- Những điều cần biết

Trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, vấn đề đổi mới chuyển giao công nghệ là đều hết sức cần thiết và quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi công ty. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động chuyển giao công nghệ là một hoạt động phức tạp và không hề đơn giản bởi nó liên quan nhiều đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Chính vì thế, trước khi tiến hành chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp cần phải nắm vững các khái niệm cũng như luật pháp liên quan đến hoạt động này, đặc biệt cần nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức dịch vụ tư vấn để thực hiện đúng theo quy định của nhà nước, tránh khỏi những thất bại trong thương trường chuyển giao công nghệ.

Kết quả hình ảnh cho chuyen giao cong nghe

Trước khi tiến hành chuyển giao công nghệ, các DN cần nghiên cứu kỹ nhu cầu cụ thể của DN mình và lưu ý các vấn đề liên quan đến hoạt động này.

Chuyển giao công nghệ và hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ

Căn cứ Luật chuyển giao công nghệ Số: 80/2006/QH11 định nghĩa:

Chuyển giao công nghệ là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Tư vấn chuyển giao công nghệ: là hoạt động hỗ trợ các bên trong việc lựa chọn công nghệ, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Những công nghệ nào được khuyến khích chuyển giao, hạn chế chuyển giao và cấm chuyển giao?

Công nghệ khuyến khích chuyển giao: Công nghệ khuyến khích chuyển giao là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

  • Tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao.
  • Tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới.
  • Tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu.
  • Sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
  • Bảo vệ sức khỏe con người.
  • Phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
  • Sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
  • Phát triển ngành, nghề truyền thống.

Công nghệ hạn chế chuyển giao: Theo Phụ lục II của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.
Công nghệ cấm chuyển giao: theo Phụ lục III của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

Có những hình thức chuyển giao công nghệ nào?

Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua các hình thức:
– Hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập.
– Phần chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng sau đây:

  • Dự án đầu tư.
  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền thương mại.
  • Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
  • Hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ.

– Các hình thức chuyển giao công nghệ khác theo quy định của pháp luật.

Có những phương thức chuyển giao công nghệ nào?

Có nhiều phương thức chuyển giao công nghệ:

  1. Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
  2.  Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ theo thời hạn quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
  3. Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào sản xuất với chất lượng công nghệ và chất lượng sản phẩm đạt các chỉ tiêu và tiến độ quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
  4. Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận

Có bắt buộc phải đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền không?

Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, nhưng các bên tham gia giao kết hợp đồng có quyền đăng ký nếu có nhu cầu để làm cơ sở cho việc hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Nguồn FOSI

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn